Card màn hình là gì và lựa chọn card màn hình như thế nào

Nhiều bạn sử dụng máy tính hẳn đã một vài lần nghe nói card màn hình (card đồ họa hay VGA). Vậy card màn hình là gì? Vai trò của card đồ họa là gì đối với máy tính? Cần lựa chọn card màn hình như thế nào để phù hợp với nhu cầu của mỗi người?

Card màn hình là gì?

Card màn hình (còn gọi là card đồ họa hay VGA – Video Graphics Adapter) là một bộ phận của máy tính chuyên xử lí các tác vụ liên quan đến hình ảnh và chịu trách nhiệm tạo hình ảnh để xuất ra ngoài (một chiếc màn hình chẳng hạn). Card màn hình là bộ phận không thể thiếu trên máy tính dù đó là máy tính để bàn (PC) hay máy tính xách tay (laptop). Nếu không có card màn hình, máy tính không thể hiển thị hình ảnh và người dùng cũng không thể giao tiếp với máy tính.

Card màn hình GEFORCE GTX 1080
Card màn hình GEFORCE GTX 1080

Card màn hình còn được gọi là bo mạch đồ họa. Card màn hình trên máy tính cá nhân PC là một bo mạch đồ họa riêng, có thể tháo rời khỏi mainboard. Card màn hình trên laptop thường được hàn chết vào mainboard và không tháo ra được. Trừ một số ít dòng laptop gaming hoặc workstation như Dell Ailienware, Dell Precision, HP Zbook,… thì card màn hình là một bo mạch có thể tháo rời được.

Tác dụng của card màn hình là gì?

Như định nghĩa card màn hình ở trên, nhiệm vụ của card màn hình là xử lí dữ liệu để chuyển thành hình ảnh. Có hình ảnh trên màn hình thì người dùng mới có thể tương tác với máy tính. Vì vậy tác dụng của card màn hình rất lớn. Tóm lại, nếu không có card màn hình thì màn hình không thể hiển thị được hình ảnh mà máy tính muốn gửi tới người sử dụng.

Có nhiều bạn chắc đang thắc mắc. Đó là khi vừa cài win xong thì chưa có driver của card màn hình. Nhưng máy tính vẫn hiển thị hình ảnh đấy thôi. Mình xin giải thích thế này. Khi vừa cài win xong, bạn hãy kiểm tra trong mục Display Adapters. Driver của card màn hình đó là Standard VGA Graphics Adapter. Đây cũng là một loại driver card màn hình dạng onboard do Microsoft tích hợp sẵn vào Windows rồi. Dĩ nhiên nó chỉ là driver kiểu “khuyến mãi” giúp hình ảnh Windows được hiển thị mà thôi. Đương nhiên các hình ảnh đó nhìn nó thường thô sơ và đơn giản vô cùng. Muốn cải thiện thì đương nhiên sau khi cài win thì bạn phải cài driver card màn hình rồi.

Cấu tạo của card màn hình

Cấu tạo của card màn hình có 6 phần. Đó là GPU, VRAM, Bus kết nối, Trình điều khiển, RAMDAC và Video BIOS. Tuy nhiên bạn chỉ cần quan tâm đến 2 yếu tố chính tạo nên sức mạnh của card màn hình. Đó là GPU và VRAM của card màn hình.

GPU

GPU (Graphics Processing Unit) trong card màn hình cũng giống như CPU trong máy tính vậy. GPU có trách nhiệm xử lí mọi thông tin đầu vào để đưa ra hình ảnh đầu ra. Các bạn cần phân biệt GPU và card màn hình. GPU không phải là card màn hình. GPU chỉ là một trong 6 yếu tố tạo nên card màn hình mà thôi. Khi mình so sánh GPU đóng vai trò như CPU trong máy tính thì bạn cũng phần nào hiểu được tầm quan trọng của nó rồi. Tốc độ xử lí của card màn hình nhanh hay chậm, FPS khi chơi game cao hay thấp, tốc độ render đồ họa,… đều phụ thuộc rất nhiều vào GPU.

VRAM

VRAM (Video RAM) trong card màn hình cũng tương tự như RAM trong máy tính. Đó là nơi lưu trữ các kết quả tính toán tạm thời. VRAM càng lớn thì card đồ họa càng mạnh. Tuy nhiên khi VRAM lớn đến một mức nào đó thì nhà sản xuất không thể tăng thêm dung lượng VRAM để tăng tốc độ xử lí cho card đồ họa được nữa.

Để bạn dễ hiểu, bạn có thể xem điều này xảy ra tương tự như đối với RAM. Khi máy tính bạn lắp RAM 32GB chơi PUBG  hoặc Liên minh huyền thoại thì tốc độ và FPS cũng không thể cao hơn khi chơi với RAM 16GB. Các nhà sản xuất họ cũng thừa biết điều này. Do đó thay vì chạy đua tăng dung lượng cho VRAM, các nhà sản xuất đã chuyển hướng sử dụng các bộ nhớ có tốc độ cao hơn như GDDR-3 SDRAM đã chuyển sang GDDR-4 SDRAM và hiện nay là GDDR-5 SDRAM.

card-man-hinh-la-gi-gpu-vram
Một chiếc GPU nVIDIA đứng giữa các VRAM (các khối hình chữ nhật màu đen) trên card màn hình

Các loại card màn hình

Card màn hình on board

Card màn hình on board là card màn hình được tích hợp trong CPU. Một điểm đặc biệt nữa là card màn hinh onboard không có VRAM riêng như card màn hình rời. Thay vào đó, card màn hình onboard sử dụng bộ nhớ shared. Tức là sẽ lấy bộ nhớ RAM của máy tính để làm VRAM cho nó. Điều này cũng có nghĩa là card màn hình onboard sẽ lưu các kết quả tính toán tạm thời vào RAM.

Trên máy tính hầu hết các tác vụ cơ bản đều sử dụng card màn hình onboard để hiển thị. Chẳng hạn như lướt web, soạn thảo văn bản, bảng tính excel, xem video,… Tuy nhiên khi sử dụng các phần mềm đồ họa nặng như Photoshop, Illustrator, Premier, Affter Effect, AutoCAD, Solid word, Inventer,… thì máy tính sẽ sử dụng đến card màn hình rời.

Card màn hình rời

Card màn hình rời là card màn hình không tích hợp trong CPU. Các bạn cần lưu ý giúp mình chữ rời ở đây nghĩa là tách biệt rời ra khởi CPU chứ không phải tách rời ra khỏi mainboard. Trên máy tính để bàn, card rời là một bo mạch tách rời khỏi mainboard và kết nối với mainboard bằng một khe cắm. Tuy nhiên hầu hết card màn hình rời trên laptop lại hàn chết vào mainboard. Trừ những dòng laptop workstation đồ họa khủng (chẳng hạn như Dell Precision M4600, M4800, HP Zbook 15,….) thì card rời mới là một bo mạch tách rời vào cắm vào một khe cắm trên mainboard.

So sánh card màn hình on và card màn hình rời

Để các dễ hiểu hơn, các bạn có thể xem bảng so sánh card màn hình on và card màn hình rời.

Card màn hình onboard Card màn hình rời
Vị trí Tích hợp trong CPU Nằm riêng một khu vực trên mainboard
Vai trò Xử lí tác vụ hiển thị hình ảnh cơ bản Xử lí tác vụ đồ họa nặng và chơi game
Hiệu năng Khá thấp Cao
VRAM Chia sẻ từ RAM Có VRAM riêng
Ứng dụng Hầu hết mọi máy tính Thường chỉ có trong máy tính chơi game hoặc làm đồ họa nặng
Hãng sản xuất Thường là Intel AMD, nVIDIA
Tên của driver Intel HD Graphics có chữ AMD hoặc nVIDIA

Bảng so sánh card màn hình on và card màn hình rời

Máy tính có những loại card màn hình nào

Mình xin trả lời luôn. Máy tính có thể chỉ có card màn hình onboard, có thể chỉ có card màn hình rời và cũng có thể có cả hai. Đa số trên các dòng máy không phải gaming hay workstation thì chỉ có card onboard. Chẳng hạn Dell Latitude E7470, HP Folio 9470M, Asus X441UA, Lenovo Ideapad 110, Acer Aspire ES1 432,… Một số ít dòng máy workstation như HP Elitebook 8570W chỉ có card màn hình rời. Còn lại đa số laptop gaming và workstation đều được trang bị cả card màn hình onboard và card màn hình rời. Chẳng hạn như HP Zbook 15, Dell Precision M4600, M4700, M4800, Dell Inspirion 7447, 7559, 7567, Asus X542UQ, Acer Aspire A515 51G,…

Cái hay của sự kết hợp 2 card đồ họa như sau. Khi người dùng chưa sử dụng các phần mềm đồ họa nặng hay chơi game, máy chỉ chạy phà phà. Nó chỉ sử dụng card đồ họa onboard để người dùng đọc báo, xem phim, lướt web, đánh chữ,…Máy tính khi đó tiêu hao điện rất ít và tỏa nhiệt cũng chưa đáng kể.

card-man-hinh-la-gi-co-nhung-loai-nao-1
Khi chỉ xem video Youtube, máy tính chỉ sử dụng card màn hình onboard (GPU 0) và card rời đang “nằm ngủ”

Tuy nhiên khi mở các ứng dụng đồ họa nặng lên (Adobe, Solidwork, AutoCAD, Inventer,…) thì card đồ họa rời sẽ được lựa chọn. Khi đó những chiếc quạt tản nhiệt có thể sẽ phải quay nhanh đấy.

card-man-hinh-la-gi-adobe-premier
Khi xuất (render) video bằng Adobe Premier, card rời chạy gần hết công suất còn card on chỉ để hiển thị hình ảnh cơ bản

Cách kiểm tra máy tính có card on hay rời hay có cả hai

Cách kiểm tra máy tính của bạn có những card màn hình nào rất đơn giản. Bạn không cần phải download phần mềm nào cả. Bước đầu tiên là bạn nhấp chuột phải vào biểu tượng máy tính và chọn Manage.

card-man-hinh-la-gi-cach-kiem-tra-1
Nhấp chuột phải vào biểu tượng máy tính và chọn Manage.

Tiếp theo bạn chọn dòng Device Manager để xem danh sách driver.

card-man-hinh-la-gi-cach-kiem-tra-2
Chọn dòng Device Manager để xem danh sách driver

Cuối cùng bạn chọn dòng Display adapters để xem các driver của card màn hình.

card-man-hinh-la-gi-cach-kiem-tra-3
Chọn dòng Display adapters để xem các driver của card màn hình

Nhìn vào hình ảnh trên bạn có thể thấy được 2 driver card màn hình là gì. Đó là Intel HD Graphics (card on) và NVIDIA Quadro (card rời). Như vậy có thể kết luận máy của mình có cả card màn hình onboard và card màn hình rời.

Các thông số quan trọng của card màn hình

Các hãng sản xuất

Khi lựa chọn card màn hình, một trong số các yếu tố hàng đầu vẫn là hãng sản xuất.

Hãng sản xuất GPU

Đầu tiên mình xin nói qua về các hãng sản xuất GPU. Hiện nay trên thế giới có khá ít hãng sản xuất GPU. Và gần như hầu hết các loại GPU trên thị trường hiện nay chỉ thuộc về 1 trong 2 nhà sản xuất là: nVIDIA và ATI (ATI đã được AMD mua lại). Còn những hãng sản xuất GPU trước đây như SIS, Trident, S3 Trio đã không thành công trên thị trường và giờ đây không mấy ai quan tâm lắm. Cuộc cạnh tranh giữa 2 ông lớn nVIDIA và AMD chưa bao giờ có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên nVIDIA luôn nắm hầu hết thị phần nhờ những chiến lược kinh doanh khôn ngoan và những công nghệ vượt trội.

card-man-hinh-la-gi-nvidia
Bên ngoài trụ sở hãng sản xuất card màn hình nVIDIA

Hãng sản xuất card màn hình AMD mặc dù chiếm ít thị phần hơn nVIDIA nhưng cũng đã có một số thành tựu nhất định. AMD cũng đang dần khẳng định vị thế của mình trên thị trường card màn hình.

card-man-hinh-la-gi-amd
AMD đang dần khẳng định được vị thế của mình trên thị trường card màn hình

Hãng sản xuất card màn hình

Khi đọc đến đây có thể nhiều bạn có cảm giác sai sai. Tuy nhiên các bạn cần phải phân biệt rõ ràng: GPU không phải là card màn hình. Trong phần cấu tạo của card màn hình các bạn có thể thấy. GPU chỉ là 1 trong số 6 bộ phận tạo nên card màn hình. 99% GPU trên thị trường hiện nay đều thuộc về 1 trong 2 nhà sản xuất: AMD hoặc nVIDIA.

Không như GPU, card màn hình lại có rất nhiều nhà sản xuất. Trong đó phải kể đến những ông lớn như: MSI, ASUS, GIGABYTE, ZOTAC, FOXCONN…

card-man-hinh-la-gi-foxconn
Một chiếc card màn hình của FOXCONN dành cho máy tính để bàn PC

Cách lựa chọn card màn hình phù hợp với nhu cầu và giá tiền

Để lựa chọn card màn hình thì đầu tiên bạn phải tự trả lời được câu hỏi: Mục đích khi sử dụng card màn hình là gì? Nếu không chơi game hay làm đồ họa và các công việc đặc biệt. Mình khuyên bạn không nên sử dụng card màn hình rời. Các tác vụ văn phòng cũng như giải trí chỉ cần card màn hình onboard là đủ. Nó giúp bạn tiết kiệm chi phí cũng như lượng điện năng tiêu thụ.

Nếu bạn muốn mua card màn hình chơi game. Hãy cân bằng giữa hiệu năng và túi tiền. Nếu bạn nhiều tiền thì không có gì phải bàn thêm nữa. Nếu bạn chưa đến mức tiêu tiền không phải nghĩ. Bạn cần xem game bạn đang chơi có yêu cầu như thế nào. Chẳng hạn bạn chơi liên mình huyền thoại (LOL), FIFA online 3 hay DOTA 2, chỉ cần một chiếc card đồ họa GTX 750 Ti với PC hoặc GTX 850M với laptop đã khá ok rồi.Nếu bạn chơi game có yêu cầu cao hơn như bắn PUBG hay chơi GTAV chẳng hạn thì nên nâng cấp lên tối thiểu GTX 950M hoặc GTX 1050 để có thể chinh chiến các tựa game này nhé.

Tương tự như việc mua card màn hình chơi game, card màn hình để làm đồ họa cũng vậy. Nếu bạn chỉ dùng để vẽ vời Photoshop một ít hay chỉ để đọc các file AutoCAD thì không cần quá nhiều ưu tiên cho card đồ họa. Thậm chí một số card onboard cũng có thể làm điều này. Tuy nhiên nếu để render video nặng, để chạy 3Dmax, Solidwork hay Inventer thì hãy đầu tư thêm tiền cho công việc của bạn nhé.

TỔNG KẾT

Nắm được card đồ họa là gì rất quan trọng trong việc chọn mua máy tính. Có như vậy bạn mới tự tin lựa chọn được VGA on hay rời để phục vụ công việc của mình. Hiện nay, thị trường card màn hình giống như ma trận phức tạp. Nắm vững được kiến thức card màn hình là gì đem lại lợi ích to lớn khi build một bộ máy chơi game cũng như làm đồ họa. Chúc các bạn hài lòng với câu trả lời card màn hình là gì của SỬA LAP.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *