Bạn đang chuẩn bị sắm cho mình một chiếc laptop? Bạn đang băn khoăn giữa giá tiền và cấu hình của một chiếc máy tính? Hay bạn chưa biết cách kiểm tra cấu hình máy tính? Đối với những người chưa nghiên cứu nhiều về máy tính thì đây thực sự là một vấn đề nan giải. Tuy nhiên không phải lúc nào bạn cũng nhờ được bạn bè hoặc người thân mua hộ được. Dưới đây mình xin chia sẻ những điều đơn giản nhưng quan trọng nhất để các bạn có thể tự lựa chọn cho mình một chiếc máy như ý.
- So sánh Core i3 i5 i7 trên các dòng laptop hiện nay
- Cách xem thông số kỹ thuật CPU Intel
- Giải thích về nhân (core) và luồng của CPU, 4 nhân 8 luồng là gì
Tác dụng
Giúp bạn biết cách kiểm tra cấu hình máy tính, hiểu được độ nhanh chậm của một chiếc máy tính phụ thuộc vào cái gì. Giá tiền bạn bỏ ra cho 1 chút cấu hình đó có đáng không. Qua đó cũng giúp bạn nắm vững tổng quan và có thể ra quyết định mua máy phù hợp.
Video hướng dẫn
Kiểm tra cấu hình máy tính
CPU
Trước tiên muốn kiểm tra cấu hình máy tính thì các bạn phải xem CPU của máy là gì. CPU quan trọng nhất và đối với máy tính thì nó được ví như là bộ não của con người vậy. Cách xem máy tính dùng CPU gì rất đơn giản. Cách đơn giản nhất là bạn cũng không cần dùng đến phần mềm gì cả. Trong cửa sổ ô tìm kiếm của Windows bạn chỉ cần gõ chữ dxdiag và nhấn Enter.


Khi đã biết được tên của CPU, bạn nên vào trưc tiếp trang chủ của hãng sản xuất để xem các thông số. Hiện nay thị trường máy tính, laptop thì Intel đang chiếm hầu hết thị phần. Để xem cấu hình máy tính, bạn truy cập vào https://ark.intel.com/ , điền tên CPU vào ô tìm kiếm và ấn Enter.

Một loạt các thông tin cực kì chi tiết nhưng cũng có phần quá đầy đủ, minh khuyên các bạn chỉ cần để ý các thông số sau.
Thế hệ

Có lẽ đối với nhiều người thì thế hệ của CPU chưa thực sự quá quan trọng. Tuy nhiên mình vẫn xếp nó lên đầu tiên trong các bước kiểm tra cấu hình máy tính. Bởi vì sao? Bởi vì thế hệ của CPU cũng giống như thế hệ của Iphone vậy. Không phải tự nhiên mà mỗi năm nhà sản xuất lại đưa ra một phiên bản mới. Và người dùng lại phải chi thêm một khoản tiền không nhỏ cho cái gọi là “thế hệ mới” đó. Theo đánh giá của một người một tuần dùng một máy khác nhau như mình (cả bán và sửa laptop), mình đánh giá trung bình thế hệ sau cho tốc độ nhanh hơn 10-15% so với thệ hệ trước.
Xung nhịp
Xung nhịp là tốc độ xử lí dữ liệu của CPU. Bạn có thể hình dung, CPU xử lí dữ liệu giống như việc đóng gạch. CPU có xung nhịp gấp đôi sẽ đóng gạch nhanh gấp đôi CPU bình thường. Tuy nhiên bạn cũng cần lưu ý, xung nhịp có 2 loại: xung nhịp cơ bản (Base Clock) và xung nhịp Turbo (Turbo Clock). Bạn có thể hình dung Turbo giống như doping vậy. Tốc độ chạy của 1 vận động viên tối đa là 40km/h nhưng khi dùng doping có thể chạy tối đa lên đến 45km/h. Để hiểu chi tiết về Turbo Boost bạn có thể xem bài viết tại đây. Ngoài ra để biết những dòng latop nào có thể Turbo Boost bạn có thể xem tại đây.
Số nhân và luồng

Xung nhịp ở trên rất quan trọng. Nhưng cũng cần phải lưu ý xung nhịp đó là xung nhịp của mỗi nhân. Trước khi ra mắt thế hệ Core 2 dual và Core i thì mỗi CPU chỉ có 1 nhân (đơn nhân). Việc đánh giá tốc độ rất đơn giản: máy tính nào xung nhịp cao hơn thì nhanh hơn. Nhưng đối với dòng máy tính đa nhân thì chưa hẳn. Trên máy tính đa nhân, mỗi CPU có thể có nhiều (2, 4, 6, 8,…) nhân cùng xử lí dữ liệu song song cùng lúc.
Thậm chí với công nghệ Hyper Threading (siêu phân luồng) thì mỗi nhân lại có thể tách làm 1 nhân thực và 1 nhân ảo (tách làm đôi) để cùng xử lí dữ liệu. Do đó việc đánh giá máy tính cần phải xem cả số nhân và luồng bên cạnh xung nhịp. Các bạn có thể xem bài viết để hiểu rõ hơn về nhân và luồng tại đây.
Cache
Cache (bộ nhớ đệm nằm trên CPU) cũng la một trong số những yếu tố quyết định đến tốc độ của máy tính. Cache càng lớn thì càng tốt. Bình thường máy tính dùng cho tác vụ văn phòng cache khoảng 3M là ok còn trên các dòng máy đồ họa hoặc chơi game có thể lên tới 6M, 8M hoặc thậm chí còn có thể cao hơn nữa.

Hậu tố CPU
Vì sao một chip U có 2 nhân 4 luồng thường chạy ì ạch hơn chip M cũng 2 nhân 4 luồng? Bởi vì bạn chưa để ý đến hậu tố CPU Intel. Mình lấy ví dụ chiếc laptop Dell Inspiron 5468 i5 7200U. Chữ U được gọi là hậu tố CPU. Các hậu tố CPU Intel chi tiết như sau:
U – Ultralow: tiêu thụ điện năng siêu thấp. Song song với việc tiêu thụ điện năng thấp thì hiệu năng cũng giảm là đương nhiên. Nó tương tự với việc xe ăn ít xăng thì công suất kém thôi mà. Chip U thường được dùng trong các laptop thời trang mỏng nhẹ, tiết kiệm điện, pin dùng được khá lâu.
M – Mobile microprocessor: dành cho các thiết bị di động (ở đây là laptop). Chip M hiệu suất trung bình, mạnh hơn chip U nhưng không bằng chip H. Nói chung các laptop business thường dùng chip M.
H – High performance: hiệu năng cao. Chip H là chip có công suất cao, tiêu thụ nhiều điện năng hơn chip U và chip M. Chip H thường dùng trong các laptop chơi game đòi hỏi một tốc độ xử lí mạnh mẽ.
Q – Quard Core: 4 lõi. Hậu tố Q chỉ mang yếu tố là 4 lõi vật lí. Hậu tố Q thường kết hợp với M và H tạo thành chip QM, MQ, HQ. Đây là những CPU mạnh, xung nhịp cao, tiêu thụ nhiều điện, rất phổ biến trong các laptop chơi game và đồ họa 4 nhân 8 luồng.
Đây là những hậu tố phổ biến nhất trên thị trường laptop cũng như máy tính. Còn nếu bạn muốn chi tiết hơn có thể tham khảo tại đây. Khi đọc xong chắc bạn cũng có thể hình dung và lựa chọn cho mình một CPU có hậu tố nào rồi đúng không.
VGA
VGA (card đồ họa) cực kì quan trọng đối với những người dùng làm thiết kế đồ họa và chơi game. Những người làm đồ họa và chơi game thì máy tính phải có VGA rời. Còn những bạn không chơi game hay làm đồ họa thì máy tính không cần VGA rời. Để kiểm tra cấu hình máy tính trang bị card đồ họa là card on, card rời hay chạy song song cả 2 card thì bạn cũng có thể xem trong dxdiag. Lưu ý là máy tính đã cài driver đầy đủ nhé.
Card on (Display 1)
Card on là card đồ họa tích hợp và nằm trong CPU nên còn được gọi là card share. Nói chung công suất đồ họa của card on không thể so được với card rời, chỉ phục vụ những mục đích lướt web xem phim giải trí cơ bản.

Card rời (Display 2)
Với những máy có 2 card đồ họa như máy của mình, các bạn sẽ thấy có thêm tab Display 2. Một số phiên bản chữ Display 2 được thay bằng chữ Render. Bạn nhấp vào đó để xem card rời là gì.

RAM
RAM là một thành phần không thể thiếu và cũng ít nhiều quyết định đến tốc độ máy tính. Nhìn chung với tác vụ văn phòng bình thường bạn nên sử dụng RAM 4GB còn chơi game và đồ họa RAM tối thiểu nên là 8GB.
Dung lượng
Bạn có thể xem dung lượng RAM trong dxdiag mà không cần download phần mềm.

BUS
Để kiểm tra cấu hình máy tính chi tiết về các thông số BUS và đang lắp 1 hay nhiều thanh RAM, bạn phải cài đặt phần mềm CPUz download tại đây.
Bus của RAM được xem như là tốc độ của RAM. Bus càng cao càng tốt, tuy nhiên nếu máy lắp nhiều RAM thì các RAM đó nên có cùng dung lượng và cùng Bus.

Ổ cứng
SSD hay HDD
Khi cái thời mà SSD còn chưa phổ biến và rất hiểm ở Việt Nam thì khi kiểm tra cấu hình máy tính chúng ta chỉ cần xem dung lượng. Tuy nhiên ngày nay, việc xem cấu hình máy tính chạy SSD hay HDD là rất quan trọng. Với cùng một chiếc máy tính, khi dùng SSD cho tốc độ khởi động và tắt máy nhanh gấp 3-5 lần dùng HDD là chuyện bình thường. Không chỉ có khởi động và tắt máy, khi sử dụng ổ cứng SSD máy tính còn hoạt động mượt mà hơn rất nhiều.
Để xem máy tính dùng SSD hay HDD rất đơn giản.



Ở đây các bạn có thể thấy được máy tính của mình đang dùng 2 ổ cứng. Một ổ HDD của Hitachi và một ổ SSD của Samsung nhé.
Dung lượng
Dung lượng cũng khá quan trọng với những người cần lưu trữ hình ảnh hoặc tài liệu. Cách xem dung lượng ổ cứng máy tính như sau.

Sau khi Disk Management mở ra, bạn có thể thây được dung lượng của mỗi ổ cứng và dung lượng mỗi phân vùng trên ổ cứng. Phân vùng Unallocated (chưa được phân vùng) cũng sẽ hiện ra trong này.
Độ phân giải màn hình
Một điều quan trọng nhưng nhiều người lại bỏ qua khi kiểm tra cấu hình máy tính. Đó là độ phân giải. Độ phân giải quyết định độ nét của màn hình. Với các laptop từ 13 inch trở xuống thật khó nhìn ra sự khác nhau giữa màn HD và Full HD. Tuy nhiên với các laptop từ 15.6 inch trở lên, độ nét giữa 2 màn hình này có thể cảm nhận rõ bằng mắt thường. Hiện nay trên thị trường có 3 độ phân giải phổ biến cho màn hình laptop: HD (1366 x 768), HD+ (1600 x 900) và Full HD (1920 x 1080).

Kết luận
Để mua hay nâng cấp một chiếc laptop hay máy bàn được như ý thì bạn hãy là người tiêu dùng thông thái. Bài viết này không giúp bạn trở thành kĩ thuật viên nhưng cũng giúp bạn đủ để trao đổi với nhân viên bán hàng những gì bạn cần và không cần. Hi vọng kinh nghiệm kiểm tra cấu hình máy tính của mình trong bài viết này sẽ giúp ích ít nhiều cho bạn.